Kinh Nghiệm Chăm Sóc Hoa Hồng Cho Các Bạn Mới
- 05/08/2022
Xin chào các bạn, là LGL chúng mình đây. Hôm nay, mình xin chia sẻ những kinh nghiệm trồng hoa cho các bạn mới gia nhập môn phái "hoa hồng", hi vọng nó sẽ giúp các bạn mới chơi hoa sẽ đỡ hoang mang khi không biết nên làm gì đầu tiên. Để hoa hồng phát triển tốt thì bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây nhé (Ánh sáng, nước, đất, gió, dinh dưỡng và kinh nghiệm trị bệnh cho cây hoa hồng).
Ảnh: Hướng dẫn "tân thủ" cách trồng hoa hồng
1. Ánh sáng
Ảnh: Ánh sáng là nguồn "thức ăn" của thực vật
- Thông thường thì hẳn các bạn đã có vườn hay sân thượng của riêng mình để trồng rồi, nhưng sẽ tuyệt hơn nếu các bạn trồng trong nhà để tiện chăm sóc và khi có khách đến họ thấy hoa họ cũng muốn nán lại ở đây lâu hơn.
- Hoa hồng là dòng ưa nắng, thích nắng trực tiếp, khi thiếu nắng cây còi cọc, kém phát triển, hoa bé và ít và rất dễ bị bệnh.
- Nếu các bạn không có sân vườn, sân thượng như thì giải pháp dùng đèn trồng cây cũng là một lựa chọn tốt.
- Vì hoa hồng là cây ngày dài nên cần lượng nắng nhiều hơn, thậm chí là từ 9-10 tiếng để cây có thể ra hoa tốt nhất.
2. Nước
- Vâng, thực vật không thể thiếu nước, nó là chất xúc tác để cây có thể tổng hợp được các chất dinh dưỡng và giúp cây tràn trề sức sống hơn đó nhé.
- Nhưng tưới nước cho hoa hồng thì các bạn nên tưới nhiều vào buổi sáng sớm từ 7h sáng đến 9h và buổi chiều mát từ (16h-17h), tránh tưới buổi trưa nắng gắt vì sẽ làm cây sốc nhiệt và tránh tưới vào ban đêm vì sẽ gây nấm mốc ở rễ cây.
3. Đất
- Rất quan trọng, đất phải thật tơi xốp, thoát nước tốt, giá thể quyết định sự phát triển của bộ rễ sau này.
- Các bạn có thể mua đất trên các sàn TMĐT hoặc tự mix hỗn hợp đất theo công thức sau (đất sạch + trấu hun + xơ dừa + phân chuồng đã qua xử lý + xỉ than tổ ong (nếu có))
4. Gió
- Gió lưu thông sẽ giúp làm mới không khí xung quanh lá giúp bổ sung CO2, ngoài ra còn giúp rễ hút nước tốt hơn, giảm nhiệt độ cho lá từ đó tăng cường quang hợp nói chung.
5. Dinh dưỡng
- LGL vẫn khuyến khích các bạn chơi theo kiểu cây nhà lá vườn nhé, mình dùng phân hữu cơ vì nó lành tính, nhiều hàm lượng dinh dưỡng và tăng độ xốp cho đất.
- Phân vô cơ kết hợp phân hữu cơ giúp cân bằng dinh dưỡng.
- Ngoài ra, còn có loại phân tan chậm (loại này giúp rất nhiều cho khi trồng trong nhà, kết hợp giữa loại này với phân hữu cơ và hoa hồng phát triển rất tốt luôn nè)
6. Bệnh thường gặp ở hoa hồng
- Bệnh thường gặp: Bọ trĩ, nhện đỏ, nấm vàng lá chấm đen.
- Bọ trĩ gây hại: Làm xoăn lá, xoăn ngọn, nụ điếc, hoa nở méo mó lem nhem, cây còi cọc yếu dần, lâu phục hồi.
- Cách trị:
- Dùng oxy già: Pha 10ml nước oxy già vào 2 lít nước sạch rồi phun sẽ trị được bọ trĩ ở cấp độ nhẹ đến vừa, một vài trường hợp có thể trị bệnh nấm, vàng lá rất hiệu quả.
- Dùng mù tạt: Dùng 2 gram mù tạt trộn với 1 lít nước sạch rồi phun đều ở 2 bên mặt lá, sau vài tiếng nên rửa lá bằng nước sạch, không phun lúc nóng để tránh làm cháy lá.
- Dùng dung dịch tỏi ớt gừng: Pha 20ml dung dịch tỏi ớt gừng cho 2 lít nước, lắc đều phun kỹ lên cây và bề mặt đất.
- Dùng baking soda: Pha theo tỉ lệ 1 thìa baking soda + 1 thìa dấm ăn + 1,5 lít nước sạch tiến hành lắc đều, chờ lúc chiều mát rồi phun lên cây.
- Dùng nước rửa chén: Pha nước rửa chén + nước sạch rồi đi phun đều lên cho cây là được. (dễ áp dụng)
- Nấm lá, vàng lá: Cây nấm lá còi cọc trơ cành.
- Cách trị: Oxy già, nước vôi, nước súc miệng và sữa chua không đường. Thuốc Anvinl, Aliette và phun liều theo đúng chỉ dẫn khuyến cáo trên bao bì.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trên đây là một số kiến thức và thông tin mà LGL hiểu được và học hỏi trong quá trình trồng cây hoa hồng và các loại kiểng lá hi vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn mới chơi hoa hồng nhé. Thân ái!